Các dạng bài tập làm văn thuyết minh thường xuất hiện trong nhiều kỳ thi quan trọng như đại học, chuyển cấp. Để giúp các bạn hệ thống lại kiến thức và làm bài đạt điểm số cao, chupmanhinhvn sẽ hướng dẫn các kỹ năng làm văn thuyết minh chi tiết nhất.
Định nghĩa văn thuyết minh
Văn thuyết minh là kiểu văn bản thường gặp trong mọi lĩnh vực đời sống. Có chức năng cung cấp tri thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân… của các hiện tượng, sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng cách trình bày, giới thiệu, giải thích.
Các dạng văn thuyết minh
Có 6 dạng văn thuyết minh thường gặp gồm:
- Thuyết minh về một đồ dùng.
- Thuyết minh về một loài vật.
- Thuyết minh về một phương pháp ( như thuyết minh về cách làm món ăn, dụng cụ…)
- Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh.
- Thuyết minh về một thể loại văn học hoặc một tác giả văn học.
- Thuyết minh về một phong tục, lễ hội dân gian…
Cách phân biệt văn thuyết minh với các kiểu văn bản khác
Để giúp các bạn có cách nhìn tổng quát mình sẽ mô tả sự khác bằng bản bên dưới:
Văn thuyết minh | Kiểu văn bản cung cấp những tri thức khách quan, xác thực, hữu ích. |
Vặn tự sự | Trình bày chuỗi sự việc theo một trình tự, có nhân vật và hành động, ngôn ngữ của nhân vật để thể hiện diễn biến sự việc |
Văn biểu cảm | Bộc lộ tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ, thái độ, đánh giá, chủ quan của người viết, truyền tải cảm xúc, tình cảm ấy tới người đọc, người nghe. |
Văn miêu tả | Tái hiện tình cảm của người, của vật, của việc một cách sinh động để người nghe, người đọc như thấy nó ở ngay trước mắt |
Văn nghị luận | Người nói, người viết xác lập tư tưởng, quan điểm và thuyết phục người đọc và thuyết phục người đọc, người nghe đồng tình với mình. |
Các phương pháp thuyết minh
Có 8 phương pháp thuyết minh chính gồm:
- Phương pháp định nghĩa – giải thích: Sử dụng kiểu câu trần thuật có từ “là” nhằm giới thiệu, giải thích hoặc định nghĩa về sự vật, hiện tượng, vấn đề nào đó.
- Phương pháp liệt kê: Liệt kê các mặt, các phương diện, các phần, các tính chất… của đối tượng theo một trình tự nhất định nhằm cung cấp cho người đọc, người nghe cái nhìn toàn cảnh về đối tượng một cách khách quan.
- Phương pháp nêu ví dụ: Đưa ra các ví dụ thực tiễn, sinh động chính xác và cụ thể, có tác dụng thuyết phục cao, làm cho người đọc, người nghe tin cậy.
- Phương pháp dùng số liệu: Dùng những con số có tác dụng làm sáng tỏ vấn đề nhanh nhất, thực tế nhất mà lại có sức thuyết phục nhất về đặc điểm nào đó của đối tượng, về vai trò nào đó của đối tượng.
- Phương pháp so sánh: So sánh đối tượng, khía cạnh của đối tượng… với những cái gần gũi, cụ thể giúp cho người đọc, người nghe tiếp cận vấn đề nhanh, cụ thể, sáng rõ bởi nó dễ hiểu.
- Phương pháp phân loại, phân tích: Đối với những loại sự vật, đối tượng đa dạng, người ta chia ra từng loại, từng phần theo đặc điểm đối tượng thuyết minh để trình bày. Như vậy sẽ mang tính khách quan, đầy đủ, dễ theo dõi đối với người đọc.
- Phương pháp thuyết minh bằng chú thích: Nêu ra một tên gọi khác hoặc một cách nhận thức khác. Có thể chưa phản ánh đầy đủ những thuộc tính cơ bản của đối tượng. Nhưng có tính linh hoạt, mềm dẻo, dễ sử dụng.
- Phương pháp thuyết minh bằng cách giảng giải nguyên nhân – kết quả: Mang tính quy nạp, từ hiện tượng mang nguyên nhân mà dẫn đến kết quả. Phương pháp này làm cho đối tượng thuyết minh được thể hiện cụ thể, sinh động, hấp dẫn và tăng thêm những biểu hiện mới mẻ, thú vị cho người đọc.
Cách làm bài văn thuyết minh
I.Tìm hiểu đề
- Xác định vấn đề thuyết minh: Xác định đối tượng sẽ thuyết minh và bước đầu có những tri thức chung về đối tượng.
- Xác định phương pháp thuyết minh thích hợp: Áp dụng 1 trong 8 phương pháp như giải thích, phân tích, nêu ví dụ, liệt kê…
- Xác định phạm vi tư liệu: Từ thực tế đời sống, sách báo, tư liệu khác.
II. Lập dàn ý
Dàn ý chung cho bài văn thuyết minh
Mở bài:
- Nêu đề tài thuyết minh.
- Dẫn dắt tạo ra sự chú ý của người đọc về nội dung thuyết minh.
Thân bài:
- Tìm ý, chọn ý: Cần triển khai những ý nào để thuyết minh về đối tượng đã giới thiệu như cung cấp thông tin, tri thức gì…
- Sắp xếp ý: Cần trình bày các ý theo trình tự nào cho phù hợp với đối tượng thuyết minh, đạt được mục đích thuyết minh.
Kết bài:
- Khái quát lại nội dung thuyết minh.
- Nêu cảm nhận của bản thân.
III. Cách viết bài
- Bài viết phải có đủ 3 phần gồm mở bài, thân bài và kết bài.
- Không mắc các lỗi như: Chính tả, cách dùng từ, câu, ngữ pháp, phân đoạn… ý phải rõ ràng, văn viết mạch lạc, trôi chảy.
- Viết đúng trọng tâm nội dung đề bài.
IV. Đọc và sửa chữa
- Lỗi chính tả, cách sử dụng từ ngữ chưa phù hợp, cách hành văn, diễn đạt còn lủng củng.
Dàn ý cho một số kiểu bài văn thuyết minh thường gặp
Dạng 1: Thuyết minh về lễ hội
Mở bài: giới thiệu khái quát về lễ hội.
Thân bài:
- Luận điểm 1: Lịch sử hình thành lễ hội
- Luận điểm 2: thời gian, địa điểm diễn ra lễ hội.
- Luận điểm 3: quy mô và hình thành tổ chức lễ hội như phần lễ được tổ chức như thế nào, phần hội gồm những hoạt động nào?
- Luận điểm 4: Ý nghĩa, vai trò của lễ hội trong đời sống tinh thần của người dân.
Dạng 2: Thuyết minh về tác phẩm văn học, tác giả văn học.
Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả.
- Giới thiệu khái quát về tác phẩm.
Thân bài:
Luận điểm 1: Giới thiệu về tác giả
- Cuộc đời: năm sinh, năm mất, tên hiệu, tên chữ, quê hương, gia đình, thời đại, bản thân.
- Sự nghiệp văn học: Các tác phẩm tiêu biểu, nội dung và phong cách nghệ thuật.
Luận điểm 2: giới thiệu về tác phẩm cần thuyết minh
- Hoàn cảnh sáng tác tác phẩm.
- Nội dung chính của tác phẩm.
- Các biện pháp nghệ thuật, biện pháp tu từ.
Luận điểm 3: Đánh giá về những đóng góp to lớn của tác giả đối với văn học và cuộc sống. Rút ra được giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm cần thuyết minh.
Kết bài:
- Khái quát về tác giả, tác phẩm và nêu cảm nghĩ của bản thân.
Dạng 3: Thuyết minh về danh lam, thắng cảnh
Phần mở bài:
- Giới thiệu khái quát về danh lam, thắng cảnh.
- Nêu cảm nhận chung về danh lam, thắng cảnh.
Phần thân bài:
Luận điểm 1: giới thiệu về vị trí địa lý
- Địa chỉ / nơi tọa lạc của thắng cảnh đó.
- Diện tích.
- Cảnh vật xung quanh.
- Có thể đến đó bằng phương tiện gì
Luận điểm 2: Nguồn gốc ( Nói rõ về lịch sử hình thành)
- Có từ khi nào.
- Do ai xây dựng ra.
- Xây dựng năm nào.
Luận điểm 3: Cảnh bao quát đến chi tiết
- Cảnh quan bao quát: Cảnh quan từ xa, nổi bật nhất và cảnh quan xung quanh.
- Cảnh chi tiết: Cảnh trang trí và cấu tạo.
Luận điểm 4: giá trị văn hóa, lịch sử
- Những giá trị văn hóa lâu đời của thắng cảnh này.
- Lịch sử liên quan đến cha ông gắn liền với di tích đó.
Kết bài:
- Khái quát ý nghĩa về danh lam, thắng cảnh.
- Nêu cảm nhận, cảm xúc của bản thân về thắng cảnh đó.
Bài tập ví dụ cách làm văn thuyết minh
Đề bài: Anh / Chị hãy viết một bài văn thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Tìm hiểu đề
- Xác định vấn đề thuyết minh: Tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều.
- Xác định phương pháp thuyết minh thích hợp: Với dạng bài này chúng ta sử dụng biện pháp phân tích, nêu ví dụ, liệt kê, chú thích, nguyên nhân – kết quả…
- Xác định phạm vi tư liệu: Tư liệu lịch sử, văn học, thực tế đời sống…
Dàn ý chi tiết
a) Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới.
- Giới thiệu về Truyện Kiều là một kiệt tác của nền văn học Việt Nam và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
b ) Thân bài
Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du
Cuộc đời:
- Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên.
Quê hương:
- Quên ông ở làng Tiên Lãng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đó là một vùng quê nghèo, thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cũng là địa linh, nơi sinh ra những bậc anh hùng, hào kiệt.
- Nguyễn DU sinh ra ở kinh thành Thăng Long nghìn năm văn hiến, lộng lẫy và xa hoa.
Gia đình:
- Nguyễn Du xuất thân trong gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan to dưới triều vua Lê, chúa Trịnh và có truyền thống về văn học.
- Cha ông là Nguyễn Nghiễm từng là tề tướng trong vòng 15 năm.
- Mẹ ông là Trần Thị Tần, vợ thứ, người Bắc Ninh và có tài hát xướng.
- Anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khảm, làm chứng kham tụng ( tương đương với chức thừa tướng) trong phủ chúa Trịnh.
Thời đại:
- Nguyễn Du sống vào nửa cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến động lớn.
- Chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng, các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực, chém giết lẫn nhau, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, xã hội loạn lạc, tăm tối.
- Bão táp phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn đánh đổ các tập đoàn phong kiến thống trị, quét sạch hai mươi vạn quân Thanh xâm lược.
Cuộc đời:
- Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cuộc đời Nguyễn Du phải trải qua những năm tháng gian truân, trôi dạt, vất vả, long đong.
- Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, bản thân lại có năng khiếu văn chương nhưng thời đại Nguyễn Du do những biến động xã hội nên gia đình cũng như bản thân ông cũng có những thăng trầm, sa sút.
- Nguyễn Du có ra làm quan cho triều Nguyễn Gia Long, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau như: Tham tri bộ lễ, Cai bạ Quảng Bình, Chánh sứ bộ… Nhưng đó là những năm tháng làm quan bất đắc chí.
- Ông mất tại Huế năm 1820 thọ 55 tuổi.
Bản thân:
- Là người có hiểu biết sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc.
- Nguyễn Du là người có trái tim giàu lòng nhân ái, nhìn đời bằng con mắt của một người đứng giữa giông tố cuộc đời và điều này làm tác phẩm của ông hàm chứa một chiều sâu chưa từng có trong thơ văn Việt Nam.
- Nhà thơ đã sống nhiều năm lưu lạc, tiếp xúc với nhiều con người, nhiều cảnh đời, nhiều số phận khác nhau, đã tạo cho ông vốn sống phong phú và niềm cảm thông sâu sắc với mọi kiếp người đày đọa.
Sự nghiệp văn chương:
Nguyễn Du là tác giả có nhiều thành tựu kiệt xuất về văn chương, ở thể loại nào ông cũng đạt được sự hoàn thiện ở trình độ cổ điển.
Về thơ chữ Hán ông có 3 tập thơ:
- Thanh hiên thi tập( 78 bài) được viết trước khi ông ra làm quan cho triều Nguyễn.
- Nam trung tạp ngâm ( 40 bài) được viết khi ông làm quan ở Huế và Quảng Bình.
- Bắc hành tạp lục ( 131 bài) Viết trong thời gian ông đi sứ bên Trung Quốc.
Thơ chữ nôm gồm:
- Văn chiêu hồn ( Văn tế thập loại chúng sinh) viết theo thể thơ song thất lục bát dài 184 câu.
- Truyện Kiều: Tác phẩm này đã đưa ông lên đỉnh cao của nền thi ca dân tộc.
Nội dung:
- Thơ văn của Nguyễn Du có giá trị hiện thực sâu sắc, phản ánh chân thực cuộc đời cơ cực của nhà thơ Nguyễn Du nói riêng, xã hội đen tối, bất công nói chung.
- Tác phẩm của Nguyễn Du chan chứa tinh thần nhân đạo, một chủ nghĩa nhân đạo thống thiết, luôn hướng tới đồng cảm, bênh vực và ca ngợi, đòi quyền sống cho con người, đặc biệt là người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh.
Nghệ thuật:
Về thể loại: Nguyễn Du đã đưa 2 thể thơ truyền thống của dân tộc đạt đến trình độ điêu luyện. Nguyễn Du đã tiểu thuyết hóa thể loại truyện Nôm với điểm nhìn trần thuật từ bên trong nhân vật và nghệ thuật miêu tả tâm lý tinh tế, sâu sắc.
Giới thiệu về Truyện Kiều
Tên gọi: Đoạn trường tân thanh ( tiếng gọi mới dứt ruột)
Số câu: 3254 câu thơ lục bát.
Nguồn gốc: Truyện Kiều được sáng tác dựa theo cốt truyện của tiểu thuyết chương hồi ( Trung Quốc) “ Kim vân kiều truyện”. Nguyễn Du đã sáng tạo nên một tác phẩm mới, cảm hứng mới, nhân thức lý giải nhân vật theo cách riêng của ông.
Về nội dung:
- Phơi bày hiện thực xã hội phong kiến bất công.
- Phản ảnh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ.
- Truyện Kiều là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lý và ngợi ca vẻ đẹp nhân phẩm của con người.
- Tiếng nói lên án các thế lực tàn bạo, chà đạp lên quyền sống con người. Thế lực tàn bạo đó là bộ mặt của quan lại tham quan, đê tiện, bỉ ổi ( Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà…) có khi là sự tàn phá, hủy diệt của đồng tiền trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, biến con người thành hàng hóa để mua vui.
Về nghệ thuật:
- Tác phẩm là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc và thể thơ lục bát đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ.
- Với Truyện Kiều thể thơ lục bát đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ.
- Nghệ thuật tự sự đã có bước phát triển vượt bậc, từ nghệ thuật dẫn truyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách và miêu tả tâm lý con người.
c) Kết bài
Khẳng định vị trí của tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều đối với lịch sử văn học và đời sống dân tộc.
Bình luận mới nhất: